Một chút cảm nhận về "Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai

anhoi_emsocho_hi

Thành viên mới
MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM “ĂN MÀY DĨ VÃNG” CỦA CHU LAI

“Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai là một tiểu thuyết chiền tranh nhưng kỳ thực nó đã phô bày hết mọi mặt đa dạng của cuộc sống. Từ cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai phe: ta và kẻ thù đến những tâm sinh lý con người, đến tình yêu lãng mạn trong cái thời kỳ dã man và khốc liệt, rồi cả những mặt trái trong thời chiến lẫn thời bình đều được lôi ra tuồn tuột trưng bày cho độc giả nhấm nháp và chiêm nghiệm suy tư.

Tôi – một con nhỏ 21 tuổi, sinh ra, lớn lên và đang sống trong hòa bình, hiếm khi để mắt, chú tâm hứng thú với đề tài chiến tranh và những cái thuộc về quá khứ. Nhưng không biết một sự đẩy đưa vô duyên cớ nào mà tôi đã tập trung hết sức lực của đầu óc và tim gan một cách cao độ để đọc hết quyển “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai.

Về chiến tranh. Phải, ngòi bút chu Lai đã vẽ lên, không, phải nói là đã tạc vào không gian trước mắt người đọc một, nhiều, toàn bộ cảnh tượng, một sự thật hãi hùng, đầy mất mát thương đau đến độ cái buồn day dẳng mà không biểu lộ ra bằng nước mắt, chỉ bằng tiếng kêu inh ỏi trong tim gan, trong óc. Tôi thật sững sờ, ngóng theo từng trang viết và cái tâm hồn yếu đuối, ủy mị thiếu rèn luyện, chuôi rèn của va chạm cuộc đời, của những vất vả và khổ đau, và bất hạnh hay chông gai trở ngại của tôi bị thay đổi hoàn toàn. Tôi nhận ra quá khứ đã bị bỏ quên một cách tàn nhẫn, phũ phàng. Đành rằng con người ta sống trên đời cần phải cho hiện tại thật tốt và hướng đến tương lai. Nhưng không vì vậy mà phủi sạch mọi thứ của quá khứ, của cái dĩ vãng kinh người khiến bao nhiêu số phận trở nên lao đao lận đận. Họ lận đận là vì ai, vì họ, không, vì tất cả, vì lẽ sống cho nhân loại, vì yên bình cho mọi người, cho tất cả chúng ta. Tiểu thuyết không vênh vang ca ngợi bằng những lời lẽ khô khốc khuôn sáo, mà chính trên những gì đã xảy ra theo một diễn biến tự nhiên sinh động, thực, rất thực đã tự nó cho ta thấy được giá trị của những đức hy sinh chân chính. Không hoàn toàn hoàn hảo như những thiên thần, họ, những con người vì quê hương bán mạng bám lấy từng mảnh rừng, quyết giữ gìn từng tấc đất, không nề hà sống trong những chốn hiểm nguy, cốt mơ ước khát khao thực thi cho được sứ mệnh cứu nước vĩ đại, cũng đôi lúc “phàm tục”. Đó là khi đói quá họ phải ăn trộm hộp sữa trong bồng của đồng đội mình ăn, hay như cái ông Tám Tính đi vồ con gái người ta để thỏa mãn cái nhục dục đang lên đến mức cuồng tính, hay để cướp cò B41 làm chết người bạn đồng chí, đồng hương của mình…Họ hết sức bình thường, bình dị giản đơn, những con người của con người chứa đựng cả hai mặt ưu và khuyết điểm. Có một điều là quá khứ được họ làm nên là cả một lịch sử táo bạo và hào hùng, khó quên, nó in đậm, hằn lên rồi như một vết thương cũ hoành hành nhức nhối. Chỉ những người trong cuộc, từng sống chung đụng và trải qua mới kể lại một cách rành rọt chi tiết, tỉ mỉ và y như thật như thế. Nếu không thì Chu Lai quả là một ngòi bút thiện xạ, có một đôi mắt và óc nhìn khuất lấp, ít nhất là với tôi, ông ấy đã để lại một ấn tượng không phai nhòa về một thời ở một vùng khói lửa chiến chinh với muôn mặt người tốt xấu.

Đọc tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”, người ta thấy dù trong thời chiến hay thời bình đều có những nhân vật thừa nước đục thả câu, đục nước béo cò, mà sự thật của những bộ mặt ấy thật đáng nguy hại cho xã hội loài người. Thằng Địch là đồ khốn, nó đáng phải bị bắn nổ sọ vì những trò gian manh ác ôn của nó, của thằng bán nước. Và tôi yêu mến cô Sương từ đoạn đầu tiểu thuyết cho tới lúc cô bị đạn bắn chi chít lên người, “óc phòi ra” khi từ dưới hầm chạy lên, không vì cái ống quần ác nghiệt trong giây phút nghiệt ngã vô thường này, đã chạy đến được với tình yêu đang đợi ở bên suối, sau lưng là sự truy đuổi ráo riết. Tôi sẽ yêu mến cô đến cuối cùng nếu như cô chết ngay lúc đó. Về sau sự yếu đuối và dung dưỡng của cô, và cả cái tình yêu “dần dần mà ra” với tên địch khốn kiếp thiệt đáng trách, đáng ghét, đáng bực mình làm sao. Cô Ba Sương đáng yêu nồng hậu và quyết đoán lại xử sự như thế trước một tên ác ôn quả là đáng lên án, không chịu được, tôi đọc mải miết và cảm thấy bức xúc vô cùng, lần theo từng trang sách tôi vừa hồi hộp vừa run run, tiếc nuối một Ba Sương với bờ vai chim sẻ, thật đáng yêu và đáng trân trọng… Giờ đây, cái tên Tư Lan lạ lẫm, cô ta không xứng với tình yêu của hai Hùng. Anh hai Hùng! Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào , tình yêu vẫn đẹp và lãng mạn, dường như đó là một đặc tính, là bản chất muôn thuở của tình yêu vậy. Lối viết của Chu Lai khiến độc giả hồi hộp, tập trung, thần kinh như bị căng ra đến độ muốn đứt nhưng không đứt được, cứ lằn nhằn, khó chịu, bứt rứt, rồi đứng im, rồi hụt hẫng, chao đảo, buồn thương, tiếc nhớ. Xen lẫn một chương hiện tại với một chương quá khứ, “Ăn mày dĩ vãng” đúng thực là ăn mày dĩ vãng, gã ăn mày không cần tiền vàng chức tước mà chỉ cần một cái quá khứ bị đánh cắp, một cái sự thật rõ ràng, không ngại khó mà lội ngược dòng tìm người thương và những bối rối cả đời cần được tháo gỡ, cần được giải đáp. Thương lắm, cảm động lắm, tình yêu ấy đẹp lung linh và tỏa ra một thứ ánh sáng muôn vẻ… Tôi thầm lặng nhìn lại, chao, tôi đang phí hoài quá một tuổi trẻ, một tình yêu nông cạn và lầm lỗi của chính mình. Cái cách đan xen giữa quá khứ và thực tại như thế làm cuốn hút người đọc, đồng thời nó tạo bố cục hợp lý chặt chẽ giữa các tình tiết một cách tự nhiên, không gượng ép, như cái chương hai Hùng và Ba Sương yêu nhau trong căn hầm, nhờ lần đó mà hai Hùng phát hiện ra nốt rùi nhỏ phía ngực trái như “mắt đôi chim câu” của Sương, sang chương sau – chương hiện tại – đó lại là chi tiết để hai Hùng nhận ra Ba Sương một cách rõ ràng nhất… dù đau khổ và tê tái hay trong tình huống nguy nan kịch liệt, hoặc là dở khóc dở cười, giọng văn của Chu Lai vẫn hóm hỉnh, lạnh nhưng vẫn ấm…

Bút pháp mạnh mẽ đến kỳ lạ, từ ngữ dùng lạ lẫm có sức hút, sức seo sắc lòng người đọc hết sức độc đáo. Tôi còn nhớ mãi cái búi lãi trong bọc nước ở cái bụng mở tang hoác của Bảo khi bị B41 cướp cò từ tay Tuấn, cái họng đầy những đất cát, cỏ cây, đờm dãi và máu của một anh lính mắc ho khi đứng sát chân thằng địch, chỉ vì – cái cách tác giả giải thích cho những điều ông ấy viết ra luôn tự nhiên, tự nhiên đến đau lòng – “lôi được cậu ta ra ngoài hàng rào thì mặt mày đã tím bầm, sưng tấy, mồm miệng nhoe nhoét những dãi dớt trộn máu, trộn đất…Ở cái giây phút cuối cùng, cậu ta đã âm thầm tự nhét đất, nhét cỏ vào đầy cổ họng mình đến tắc thở để cho tiếng ho thứ hai khỏi phụt ra kéo theo cái chết của bạn bè!”
……….

Những con người hy sinh nhiều nhất là những con người sau hòa bình lập lại sẽ ẩn sâu vào cuộc sống bình dị đời thường hay ẩn náu nơi chốn nào đó thư thái tâm hồn mà nhớ chuyện ngày xưa, họ sống như một công dân bình thường… Họ không huênh hoang chiến công này, chiến tích nọ, họ luôn im lặng để mặc cho năm tháng chiến tranh, năm tháng mà họ phải chiến đấu gian khổ cực nhọc bào mòn đi tuổi trẻ và hạnh phúc của họ, để lại trên thân thể họ những vết thương đau âm ỉ. Mặc kệ luôn cả những thói đời đang từng ngày làm tổn thương họ thêm lần thứ hai, lần này là về mặt tinh thần, những sự thật méo mó, giả dối tràn ngập giữa dòng đời đang chảy dữ dội, sức người khó lội ngược, vượt qua, nếu cứ lội ngược thì không bèo nhèo thì cũng dễ chết lắm. Mà họ thì không lội ngược không được, thấy nghịch lòng trái lương tâm lắm!

“Ăn mày dĩ vãng” có một cái kết thúc vừa có hậu vừa không có hậu. Nó hợp lý, hợp lẽ, hợp tình. Chỉ tội cái mảnh tình thủy chung của hai Hùng không ráp lại được với Ba Sương ngày gặp mặt sau 20 năm. Nhưng tâm hồn anh hai Hùng giờ đã nhẹ ra và bên anh còn những ông bạn chí cốt, thế là lẽ sống đã không tuyệt đường, vẫn đâu đó niềm hy vọng, một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, mãi mãi….!
 
Bên trên