TIẾNG VIỆT TRONG XU THẾ HỘI NHẬP

Thảo Nguyên

VIP MEMBER
Staff member
Mỗi một nền văn hóa đều có những đặc điểm riêng của nó và ngôn ngữ chính là cái thể hiện sự đặc trưng rõ nét nhất. Chính những sự khác biệt giữa ngôn ngữ các dân tộc đã tạo nên cái gọi là đặc trưng riêng cho mỗi dân tộc. Và nước Việt của chúng ta với hơn bốn ngàn năm văn hiến, với một hệ thống ngôn ngữ, ngữ pháp mạnh hơn cả phong ba bão táp nay lại cần đến những cách tân ư?

Xin được lấy ví dụ từ ngay chính cái bảng cải sửa của Lê Hoàng để được nói. Bạn cho rằng chúng ta nên thay ký tự “ngh” thành “ng”. Vậy chúng ta sẽ nói “ngèo” thay vì là “nghèo” à? Cái chữ “nghèo” vốn đã là một chữ tội nghiệp và ý nghĩa của nó cũng đã nói lên nhiều điều xót xa lắm rồi, vậy mà bây giờ còn lấy đi bớt một chữ “h”, há chẳng phải là tội nghiệp nó lắm sao? Cái chữ “ngèo” sau khi cải cách còn nghèo hơn cả chữ “nghèo” trước khi cải cách nữa thì việc làm ấy có phải là việc nên làm không?

Lại lấy thêm một ví dụ nữa từ câu chuyện những cái tên. Tôi tên đầy đủ là Lê Thị Hồng Giang. Bây giờ lại cũng theo cải cách của bạn thì tên tôi sẽ trở thành Hồng Jang phải không ạ? Nếu thế chắc khi tôi đi ra nước ngoài, người ta nhìn vào tên tôi sẽ nghĩ tôi người Việt gốc Hàn. Chắc là chị em họ của Jang Dong Gun?

Nói thế không phải để bạn nghĩ là tôi mỉa mai hay bác bỏ ý kiến của bạn. Nhưng tôi chỉ muốn bạn thấy là những cái gì đã trở nên quen thuộc, tạo nên phong cách riêng cho tiếng Việt của chúng ta rồi thì sửa lại để làm gì? Nhất là khi những điều ấy rất đẹp, rất đáng trân trọng, lưu giữ và xứng đáng truyền lại cho muôn đời sau. Tuy nhiên không thể phủ nhận ý tốt của bạn là vì bạn muốn cải thiện thời gian trong công việc viết lách hay đánh máy của mọi người. Song, nếu chỉ là tiết kiệm được một tí thời gian nhỏ mà lại làm thay đổi bộ mặt từ ngữ và cả cách tư duy suy nghĩ của người đọc tiếng Việt thì có phải là điều nên làm không ạ?

Công nghệ hiện đại phát triển và kéo theo nhiều thay đổi lớn trong xã hội chúng ta, trong đó có cả những thay đổi tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực ở điểm nhanh gọn và thuận tiện cho người sử dụng trong việc liên lạc với nhau, nhưng trong một chừng mực nào đó nó làm giảm đi tính trang trọng trong văn viết. Chỉ vì công việc nên tôi buộc phải dùng thư điện tử để liên lạc với mọi người, chứ thực tâm mình tôi vẫn chỉ thích kiều viết thơ tay và gởi bằng bưu điện như bình thường. Tôi thích cái cảm giác người ta nắn nót ghi tên mình đầy đủ các ký tự và dấu câu trên phong bì hơn là đọc thấy tên mình viết không dấu Hong Giang hay có khi lại còn bị ghi lộn ngược như cái kiểu ký tên của người nước ngoài là Giang Le.

Bàn thêm một chút về cách sử dụng ngôn ngữ trên chat của các bạn. Nếu gọi những người sử dụng internet là e-people thi xin được phép gọi thứ ngôn ngữ mà họ sử dụng là e-language vậy. Tôi cũng đã từng có thời gian sử dụng ngôn ngữ ấy. Tôi viết cho anh trai mình một lá mail với ngôn ngữ là e-language và anh tôi đã không hồi âm cho tôi. Khi tôi thắc mắc thì anh trả lời rằng anh không hiểu tôi viết gì cả, vì rằng cái tôi nói với anh không phải là tiếng Việt, nên anh sợ khi anh trả lời tôi lại bằng tiếng Việt thì tôi cũng sẽ không hiểu gì. Thú thật với bạn là lúc ấy tôi xấu hổ vô cùng. Vì tôi biết rằng anh trai tôi vẫn hiểu những gì tôi nói, nhưng anh không chấp nhận được cái lối nói chuyện bôi bác tiếng Việt ấy nên đã không trả lời tôi.



Bạn cũng không thể đổ lỗi cho chuyện tiếng Việt dài dòng văn tự nên phải sử dụng e-language được. Vì rõ ràng nếu bạn lướt ngang qua một chatroom bạn sẽ thấy ngôn ngữ họ sử dụng là hết sức buồn cười và rất….dài dòng. “Tôi sẽ đi Nhựt Bủng vào tháng sau”, “Thôi muh, em đừng giận anh nữa muh”. Vậy Nhựt Bủng là nước nào? Nằm đâu trên bản đồ? Bạn gọi tên nước người ta là thế thì có phải là tội nghiệp cho thần dân xứ mặt trời mọc lắm không? Và khi cô người yêu giận bạn, bạn năn nỉ như thế có thể hiện được thành ý của mình không? Hay là trông bạn lúc đó chẳng khác gì một kẻ lai căng? Hơn nữa, bạn gõ “Nhật Bản” hoặc “thôi mà” không phải là dễ dàng hơn sao?

Và như Lê Hoàng đã nói, việc thay đổi cách bấm các ký tự trong lúc nhắn tin là cũng để tiết kiệm thời gian chờ lượt bấm các ký tự thì xin thưa rằng, có thể cách bạn bấm bàn phím chậm hoặc do máy móc bạn sử dụng đã là từ đời cũ rồi. Tôi không cảm thấy bực mình khi phải chờ đợi trong lúc nhắn tin, bởi vì lúc ấy tôi có thể cân nhắc câu chữ của mình hơn. Bạn muốn “nghĩ đến một giải pháp cách tân thay vì chỉ bám khư khư vào những quy tắc, chuẩn mực của quá khứ?” thì bạn hãy cách tân những gì xung quanh bạn, thuộc về bạn trước khi nghĩ đến việc cách tân tiếng Việt là điều mang tính linh hồn của cả một dân tộc.

Trong xu thế hội nhập như ngày nay thì việc học hỏi cái hay của người khác và biến nó thành cái cho riêng mình là điếu rất quan trọng. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận một điều là chỉ nên “hòa nhập” chứ không nên “hòa tan”. Ngay từ ngày trước, trong các tác phẩm của mình Vũ Trọng Phụng cũng đã đề cập đến chuyện ngôn ngữ Tây Ta lẫn lộn rồi còn gì, nào là “Me xừ Xuân”, “Đốc tờ Xuân”, lại còn cả ông “TYPN-Tuýp Phờ Nờ”. Đối với tôi, tôi cho như thế là lên án, là châm biếm, nhưng có những người khác không nghĩ như vậy. Họ vẫn sử dụng thứ ngôn ngữ rất trẻ, rất phóng khoáng mà không ít bạn bây giờ vẫn sử dụng. Tây ta lẫn lộn, ngô không ra ngô, khoai không ra khoai. Và đúng như Giáo sư Cao Xuân Hạo đã đánh giá “100% đó không phải là tiếng Việt”.

Sao chúng ta không cùng nhau tìm về lại với tiếng Việt thuần túy của chúng ta, trả lại cho tiếng Việt cái vẻ trong sáng vốn có của nó, mà lại phải tìm cách cách tân, thay đổi và khai sinh ra một thứ tiếng Việt mới mà ít ai có thể chấp nhận được? Thiết nghĩ bạn cũng là một người học và nghiên cứu ngôn ngữ mà sao bạn lại không bảo vệ cho tiếng Việt? Bạn thấy tiếng Việt tự nó không đẹp hay sao mà phải chỉnh sửa thêm nữa? Tôi nghĩ hội nhập trong xu thế mới với chính cái đẹp trong ngôn ngữ truyền thống của mình không tốt sao?
 
Bên trên